Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Khổ vì đãng trí sau sinh


Hay quên không chỉ là chứng bệnh ở những người có tuổi, bởi hầu hết chị em trong thời gian mang bầu, nhất là sau khi sinh cũng đã phải lâm vào nhiều tình huống “dở khóc dở cười” do “cái tật hay quên” của mình. Dù vậy, chị em cũng đừng quá lo lắng, vì cũng sẽ có nhiều “chiêu” để khắc phục triệu chứng không mong muốn này.
Dở khóc dở cười vì quên trước, quên sau
Nổi tiếng cả công ty với trí nhớ khá siêu đẳng của mình, chị Thu (Q.Tân Phú, TP HCM) không ngờ có ngày chị lại mắc phải “cái tật hay quên”. Mọi chuyện diễn ra khi mang thai bé Bòn Bon được khoảng 5 tháng, trong một lần quyết toán sổ sách công ty, chị để quên đến mấy hóa đơn quan trọng. Rất may là sếp phát hiện kịp thời, nhưng lần đó chị cũng báo hại cả phòng Kế toán bị sếp “vặt” cho một trận nên thân, vì đã làm phòng Kế toán mà để sai sót sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn công ty. Đau đầu hơn, có lần chị còn để quên sổ sách khi lên cơ quan báo cáo thuế, thế là, thân bụng mang dạ chửa vẫn phải quay về công ty lấy hồ sơ bỏ quên.
Tưởng rằng do bầu bí nên thế, chị Thu càng “sốc” hơn sau khi Bòn Bon chào đời, chứng hay quên của chị không những không được cải thiện mà còn nặng hơn. Trong suốt thời kỳ ở nhà chăm con, chị không ít lần quên đến giờ pha sữa cho bé bú, nấu nướng quên tắt bếp, quên nêm nếm nên mỗi bữa ăn, chồng chị lại tha hồ được nếm nào là món ăn khét, canh mặn, thịt kho … ngọt. Đến độ anh Danh chồng chị chỉ còn biết chống đũa than trời vì tài nấu nướng và tật nghễnh ngãng của vợ, còn chị  thì khóc sướt mướt vì nỗi lo … bị lão hóa trước tuổi do sinh con.
Khổ vì đãng trí sau sinh - 1
Cùng với việc chào đón thiên thần nhỏ, bạn có thể phải đối mặt với chứng
hay quên trong và sau thai kỳ (ảnh minh họa)
Chị Vy (Thủ Thừa, Long An) cũng đã từng khốn đốn nhiều phen vì chứng hay quên của mình. Trước khi sinh con đầu lòng, chị đã phải thừa nhận mình hay bị quên, nhưng thường chỉ là những thứ lặt vặt cất kỹ, đến khi cần tìm lại không biết để đâu … Đến khi mang thai và sinh bé Ken, chị mới thật sự lâm vào hoàn cảnh trớ trêu vì quên trước, quên sau. Mỗi ngày trước khi đi chợ, dù kiểm tra kỹ hành trang, thế nào chị cũng sẽ để quên vài món. Khi thì để quên ví, khi thì quên mũ bảo hiểm, có lần chị còn để quên cả chìa khóa trong nhà. Báo hại anh Hoàng chồng chị phải chạy từ cơ quan cách đó gần 10 km để về đưa chìa khóa cho vợ. Rồi có lúc đi chợ, chị để quên rau quả ngay tại quầy hàng, về đến nhà lại phải tất tả chạy ra chợ lấy về. Bi hài nhất là do sử dụng xe tay ga, có lần chị còn để chìa khóa trong cốp xe rồi đóng lại, sau đó phải chạy khắp nơi tìm thợ khóa về nạy yên lên để lấy lại chìa. Cộng với việc phải thức khuya cho con bú và không được nghỉ ngơi, chị Vy ngày càng mệt mỏi hơn, và vì thế, cái tật quên lại càng có cơ hội “hành hạ” chị nhiều hơn.
Vì sao các mẹ hay “mắc chứng quên”?
Để lý giải cho hiện tượng phụ nữ trong giai đoạn mang bầu, đặc biệt là sau sinh thường mắc chứng hay quên, các nhà khoa học Úc đã tiến hành điều tra trên 1000 phụ nữ mang bầu trên toàn thế giới để so sánh trí nhớ của bà bầu với những phụ nữ bình thường, kết quả các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận: “Những người phụ nữ mang bầu có trí nhớ kém hơn và mau quên”. Giải thích nguyên nhân gây nên tình trạng này, nhóm nghiên cứu cho rằng, chủ yếu là do tác động của các loại hormone sản sinh trong thai kỳ gây tác động lên não. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân chính liên quan mật thiết đến stress ảnh hưởng  đến chứng hay quên của phụ nữ trong khi mang thai và sau khi sinh con như sau:
- Trong 3 tháng đầu mang thai, tâm lý của bà bầu thường không ổn định với quá nhiều băn khoăn, lo lắng về sức khỏe của bé. Sự thay đổi lượng bài tiết các loại hormone cũng gây tác động đến tâm lý bà bầu, khiến tinh thần trở nên mệt mỏi, xáo trộn dẫn đến hay quên trước, quên sau.
Khổ vì đãng trí sau sinh - 2
Chứng hay quên liên quan mật thiết đến hormone và
tình trạng stress ở các bà mẹ (ảnh minh họa)
- Đến 3 tháng trước khi sinh, bà bầu lại tiếp tục rơi vào cảm giác lo lắng vì sắp phải đối mặt với một sự kiện lớn trong cuộc đời. Chính tâm trạng hoang mang, đôi khi không biết cần phải chuẩn bị gì, ngủ không ngon giấc do cơ thể quá nặng nề, bụng quá to … có thể gây ra nhiều mệt mỏi, ảnh hưởng đến sự sáng suốt trong suy nghĩ và hành động của bà bầu.
- Sau khi sinh, người phụ nữ chẳng những không được nghỉ ngơi mà còn phải tiếp tục trải qua nhiều biến động nhất định về tinh thần, thể chất, về quan hệ vợ chồng và gia đình, đặc biệt với những người phụ nữ mới sinh con lần đầu. Sự xáo trộn trong sinh hoạt như mất ngủ, lo lắng cho em bé, áp lực về tài chính, ưu phiền về ngoại hình, tâm trạng bất an, quan hệ vợ chồng sau sinh thường gặp trở ngại, việc đi làm lại gặp nhiều khó khăn, căng thẳng v.v…tiếp tục tác động gây nên tình trạng stress dẫn đến tình trạng hay quên, lơ đãng, mất tập trung ở các bà mẹ trẻ.
Cũng theo các chuyên gia tâm lý, tình trạng stress suốt thai kỳ và sau sinh sẽ ảnh hưởng đến việc phóng thích các nội tiết tố có thể gây tổn thương não, dẫn đến tình trạng giảm trí nhớ ở bà bầu và các bà mẹ.
Vài mẹo nhỏ để khắc phục chứng hay quên
Các chuyên gia khuyên rằng, khi đối diện với chứng hay quên, các mẹ đừng nên quá bối rối, hoang mang, vì sẽ tạo điều kiện cho stress gia tăng. Thay vào đó, hãy tận dụng thời gian rảnh để thực hiện các mẹo chống quên sau đây:
Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi ngay khi có thể: Giấc ngủ là yếu tố nòng cốt giúp cải thiện trí nhớ, vì vậy hãy tranh thủ ngủ sớm và đủ giấc để tránh mệt mỏi, loại bỏ lo âu. Ở giai đoạn cuối khi mang thai thì cần chọn cho mình tư thế thoải mái để giấc ngủ ngon hơn. Tránh các các đồ uống như trà, cà phê… sẽ làm các mẹ mất ngủ. Đồng thời, mỗi ngày cần tranh thủ ngủ trưa khoảng 20-30 phút.
Khổ vì đãng trí sau sinh - 3
Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý là một trong những “phương thuốc” chống bệnh
hay quên hiệu quả nhất (ảnh minh họa)
Trang bị thật tốt kiến thức, kỹ năng làm mẹ: Chuẩn bị tâm lý làm mẹ thật tốt sẽ giúp bạn chú động tránh được những biến động tâm lý sau khi sinh, nhất là stress và trầm cảm. Không nên quá lo lắng, suy nghĩ nhiều mà hãy sắp xếp công việc và thời gian nghỉ ngơi hợp lý để luôn đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần được tốt nhất.
Chia sẻ áp lực với người thân trong gia đình: Người thân trong gia đình sản phụ, nhất là người chồng nên hỗ trợ, quan tâm chăm sóc và chia sẻ công việc với người vợ, để giúp các mẹ có được sự thoải mái nhất định về tâm lý, nhờ đó cũng góp phần hạn chế tình trạng hay quên.
Sắp xếp công việc một cách khoa học: Khi bắt đầu lại với công việc, hãy sắp xếp mọi thứ thật hợp lý và lên kế hoạch cho công việc. Hãy ghi lại những việc cần làm, cần nhớ trong một cuốn sổ hoặc một tờ giấy và dán vào nơi dễ thấy nhất. Có thể cài nhắc nhở trên máy tính hoặc điện thoại để tránh quên việc.
Tập luyện tăng cường sự tập trung: Khi bạn tập trung tốt và tập luyện để sự tập trung trở thành thói quen, trí nhớ sẽ trở lại với bạn. Phương pháp tập luyện gồm 4 bước: Quan sát – Liên kết – Học thầm – Nhớ lại. Ví dụ, bạn đặt chìa khóa xuống, hãy quan sát động tác mình làm, quan sát vị trí chìa khóa nằm trên bàn và liên kết chìa khóa với một vật dụng dễ nhớ đã có sẵn trên bàn như bình hòa, đèn bàn… đồng thời hãy đọc thầm nhiều lần “chìa khóa để cạnh bình hoa”. Như thế, khi cần tìm chìa khóa, trong đầu bạn sẽ xuất hiện lại hình ảnh những vật dụng đã quan sát, câu nói bạn đã thầm đọc và cuối cùng nó sẽ liên kết với chìa khóa bạn đang tìm.
Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục làm máu lưu thông lên não tốt hơn, làm cho giác quan tiếp nhận  thông tin nhanh hơn và giúp não lưu giữ thông tin lâu hơn. Các mẹ nên biết rằng tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày còn giúp chống stress và chống các bệnh lý gây giảm trí nhớ nữa đấy nhé.
Chọn thực đơn bổ trợ trí nhớ: Các loại ra lá xanh như bông cải xanh, cải bắp, súp lơ, rau bina, các loại ngũ cốc như gạo nâu, bột yến mạch, v.v…, các loại quả bơ, việt quất, táo, hạnh nhân, dâu tây, …, trà xanh, khoai lang, trứng, cá hồi v.v… nên có trong thực đơn của các bà mẹ, vì đây là những loại thực phẩm được xem giúp bổ trợ trí nhớ rất tốt. Ngoài ra, các mẹ cũng có thể áp dụng theo thực đơn Đông y với các món như óc lợn, trứng chim cút, hạt sen, mật ong, long nhãn, nấm linh chi, hà thủ ô, nhân sâm v.v…là những món hỗ trợ chữa trị chứng giảm trí nhớ khá hiệu quả.

Thùy Miêng (eva.vn)

Sự tin tưởng


Chọn kem dưỡng da phù hợp cho từng loại da


Da thường
Da thường có đặc điểm mềm và mỏng, với những lỗ chân lông nhỏ và dễ thấy. Nếu bạn sở hữu làn da này, bạn có thể cho rằng mình là một người may mắn, bởi vì da thường nhìn chung là không bị mọc mụn. Trong trường hợp này, bạn có thể hầu như chọn bất cứ loại kem cho da mặt nào cho da thường để cung cấp sự bảo vệ tối đa cho da. Để đảm bảo một khuôn mặt sạch sẽ và không tì vết, hãy thực hiện theo lịch trình chăm sóc da hàng ngày, bao gồm việc làm sạch và giữ ẩm tốt.

Da khô
Da khô chính xác là ngược lại với da dầu. Những người sở hữu làn da khôn có xu hướng dễ chịu những nếp nhăn và đường kẻ trũng xuống xung quanh mắt và vùng miệng. Nếu bạn thuộc những người với làn da này, sau khi rửa mặt, da bạn trở nên khô và bạn có cảm giác chúng co lại, không hydrate hóa. Khi chọn loại kem cho da mặt này, hãy chọn loại có thể giữ ẩm và nuôi dưỡng da chống lại những điều kiện của da khô.
Da dầu

Sau khi làm sạch khuôn mặt, da dầu thường xuất hiện với vẻ bên ngoài là một làn da hoàn hảo. Tuy nhiên, sau vài giờ, khuôn mặt bạn lại xuất hiện dầu. Da dầu nhìn chung có đặc điểm là những lỗ chân lông dễ nhận thấy, mụn đầu đen và mụn. Để duy trì một làn da đẹp, hãy làm sạch khuôn mặt hai lần một ngày và chọn loại kem cho da mặt có dạng nước.
Da hỗn hợp
Da hỗn hợp có đặc điểm đó là có dầu ở vùng chữ T trên mặt, như trán, mũi, cằm và sự khô ráo ở phần còn lại của khuôn mặt. Nếu bạn sở hữu làn da kết hợp, bạn nên chú ý đặc biệt tới chăm sóc mặt bởi vì những vùng da dầu và da khô nên được chăm sóc một cách biệt lập. Những loại sản phẩm chất lỏng nên được sử dụng ở những khu vực chỉ có da dầu, và sử dụng loại kem dưỡng ẩm ở những vùng da khô.